CHÚ GIẢI TIN MỪNG
CHÚA NHẬT TUẦN XXV MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B
TIN MỪNG: Mc 9,30-37
Noel Quesson - Chú Giải

Đức Giêsu và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Galilê. Nhưng Đức Giêsu không muốn cho ai biết.
Một lần nữa, chúng ta lặp lại đề tài Chúa muốn ẩn thân. Đức Giêsu không được người ta hiểu, bị đám đông dân chúng bỏ rơi, bây giờ hoàn toàn chỉ chăm lo cách riêng vào việc đào tạo một số môn đệ của Người.
Phát xuất từ những vùng miền Bắc đi về miền Xêxarê Phi-líp-phê, ở nguồn sông Giođan, Đức Giêsu tiến gần về Giêrusalem. Người băng qua xứ Galilê mà ở đó cách đây vài tháng Người đã rất thành công, nhưng một sự thành công không rõ rệt. Lần này Người không tìm dịp nói chuyện trước công chúng. Người chỉ nói với các tông đồ, là mầm mống của cộng đoàn Kitô hữu tương lai và những gì Người sắp nói với họ, là chính những luật lệ giúp họ sống trong cộng đoàn Giáo Hội.
Vì Người đang dạy các môn đệ rằng: "Con người sẽ bị nộp vào tay người đời".
Trong khi Đức Giêsu không muốn người ta dùng tước vị "Con Thiên Chúa". Người luôn đúng, nhất là trong giai đoạn thứ hai đời sống tác vụ của Người, tước vị "Con Người". Ngược lại những gì thoạt tiên chúng ta có thể nghĩ, đây không phải là việc nhấn mạnh đến nhân tính của Đức Giêsu. Thực tế, những Kitô hữu đầu tiên, phát xuất từ đạo Do Thái đã gán cho tước vị này một ý nghĩa sâu đậm: Đối với họ, tước vị này ám chỉ Đấng Mêsia do ngôn sứ Đanien đã báo trước (7,13-14). "Con Người" này có nguồn cội từ trời, Người từ trên mây trời mà xuống... Người đến nhân danh Thiên Chúa để hoàn tất công trình của Chúa.
Chúng ta thấy cách nói của Đức Giêsu muốn điều chỉnh lại ý niệm mà các tông đồ đã có về Đấng Mêsia. "Con Người Thần Thánh" từ trên mây trời hiện đến cách vinh quang mà các bạn đang mơ ước, thì Đấng đó sẽ bị giao nộp không chút tự vệ "vào tay loài người". Các bạn chớ nhầm lẫn Đấng Mêsia, chỗ nhầm lẫn Thiên Chúa! Đức Giêsu thực sự do Thiên Chúa mà đến, nhưng không phải là Đấng mà loài người thường tưởng nghĩ.
Bị giao nộp.
Một Thiên Chúa "bị giao nộp một Thiên Chúa được "Tặng ban" một Thiên Chúa " Tình yêu chứ không phải một Thiên Chúa toàn năng, toàn quyền. Chúng ta tin không phải ở một Thiên Chúa toàn năng, nhưng là một Người Cha Toàn Năng, tin ở Đấng đã trao hiến hết minh, Đấng đã giao nộp mình vì chúng ta, mà Thập giá của Đức Giêsu là "mạc khải" rõ ràng và dứt khoát.
Cụm từ "bị giao nộp vì chúng ta" là những từ chủ yếu trong khoa thần học ban sơ. "Bị giao nộp vì tội lỗi chúng ta, và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính" (Rm 4,25).
“Người đã không tha chính con của Người, mà đã giao nộp cho tất cả chúng ta” (Rm 8,32).
“Người đã thương yêu và thí mạng vì tôi" (Gl 2,20).
"Anh em hãy sống trong tình bác ái như Chúa Kitô đã thương yêu chúng ta và đã nộp mình" (Ep 5,2).
“Chúa đã giao nộp Người vì tội của chúng ta" (Is 53,2).
Chứng từ này được nhắc lại cho chúng ta mỗi khi cử hành Thánh Thể; "Đây là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con".
Họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau, Người sẽ sống lại.
Kể từ lúc Thánh Phêrô tuyên xưng đức tin tại Xêxarê Phi-líp-phê, thì đây là việc loan báo lần thứ hai về cuộc thương khó. Toàn thể Tin Mừng của Mác-cô dẫn đưa chúng ta đến chóp đỉnh-này: Sự tử nạn và Phục sinh. Đó là trọng tâm kinh Tin kính của chúng ta: Hai biến cố lịch sử. Đây thật là tiểu sử lạ lùng của một con người. Không phải sự sống của Người là quan trọng mà là "cái chết" của Người và việc Người "sống mãi". Chúng ta không Thể không lưu ý con người đó luôn luôn báo trước, cùng một lúc và một cách bình tĩnh rằng, Người sẽ "sống lại" sau khi chết. Đó cũng như Người coi cuộc sống thứ nhất của Người ở Palestine thời đó, không phải là cuộc sống quan trọng nhất.
Ngày nay, chúng ta có thực sự tin rằng Đức Giêsu vẫn đang sống không?
Mầu nhiệm Phục sinh là cốt yếu của Đức tin chúng ta. Và đó là đặc quyền duy nhất và căn cốt của Đức Giêsu. Không có một vĩ nhân nào khác dám tự phụ giải phóng được con người, khỏi định mệnh cuối cùng, là cái chết. Cả Đức Phật và Ma-hô-mét hay bất cứ một chủ thuyết nhân bản nào khác, cũng không đưa ra được một giải pháp trước thái độ lo âu lớn lao của con người luôn biết mình sẽ. Phải chết. Chỉ có Đức Giêsu, một cách bình tĩnh và chân thành đã dám nói: "Họ sẽ giết Tôi, nhưng Tôi sẽ sống lại".
Đó là ánh sáng chủ yếu Chúa đã soi chiếu trên cái chết: Đức Giêsu biết rằng; đó không phải là chấm dứt tất cả. Người biết những gì đang chờ đợi Người. Khi trải qua giây phút bi thảm của "hơi thở cuối cùng", Đức Giêsu biết rằng Người không rơi vào hố đen của hư vô, nhưng vào vòng tay của Chúa Cha. Và điều đó đã dệt nên bài ca hy vọng của người Kitô hữu trong nghi thức từ biệt cuối cùng với người chết: "Trên ngớt ông cửa Nhà Nghèo, Chúa Cha đợi bạn, và cánh tay của Thiên Chúa sẽ mở ra đón bạn".
Chúng ta cứ tin chắc rằng cái chết là như vậy không? Đây là sứ điệp của mọi người tử vì đạo. Đó là niềm tin vững chắc của những tín hữu đích thực. Nhưng các môn đệ không hiểu lời ấy, lại sợ không dám hỏi Chúa. Tin Mừng không hề tô vẽ cho các tông đồ. Đó cũng là những con người đáng thương như chúng ta. Thánh Mác-cô không những nhấn mạnh đến trí óc trì trệ, nông cạn, hẹp hòi của các ông. "Họ không hiểu” (Mc 6,52- 8,17- 8,21- 9,32). Do đó nhóm Mười Hai là một tiêu biểu cho những con người thông thường, trung bình. Người ta tự hỏi làm sao Giáo Hội và suốt dòng lịch sử vĩ đại của Giáo Hội, lại phát sinh từ những tưởng tượng và dự án của các tông đồ được. Quả thực các ông đã được một biến cố thay đổi. Các ông đã được nâng lên cao khỏi chính mình, và được một sức mạnh mới bao bọc. Và luôn diễn ra như thế đối với Giáo Hội.
Nếu chỉ là một Giáo Hội của loài người, thì Giáo Hội đã bị tiêu diệt từ lâu bởi những khiếm khuyết và tội lỗi của các nhà lãnh đạo và thành phần của Giáo Hội. Nhưng chúng ta có nên xét đoán Giáo Hội đơn thuần theo quan điểm của con người không?
Trong lúc này, các tông đồ đã sợ Đức Giêsu và họ giữ một thứ im lặng đến khó chịu "họ đã sợ không dám hỏi Chúa".
Đức Giêsu và các môn đệ đến thành phố Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã tranh luận với nhau về chuyện gì vậy?". Các ông làm thinh.
Các ông chưa nói được lời nào. Các ông giữ im lặng trước câu hỏi của Chúa. Sự "lúng túng" giữa họ trở nên nặng nề như trong một nhóm mà người ta không còn đồng ý với nhau nữa.
Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau về chuyện ai là người lớn hơn cả.
Thật là hoàn toàn bất đồng ý kiến với Thầy của họ!
Chúa thì nghĩ đến cái chết của mình, khiến Người "giao nộp" mạng sống. Còn các ông thì chỉ nghĩ đến những “địa vị cao". Các ông vẫn một mực bám vào quan niệm sai lầm về Đấng Mêsia, và về Thiên Chúa. Các ông vẫn tiếp tục mong chờ một "biến cố vẻ vang", chứng tỏ quyền năng của Đấng Mêsia, một vương quốc trần gian, mà các ông đã tranh luận xem ai là "thủ tướng" khi Chúa và các ông thắng thế.
Nhưng xin các bạn đừng quá nghiêm khắc xét đoán việc các Ngài không hiểu vai trò của Chúa Giêsu. Mặc dù đã được soi dẫn với ánh sáng Phục sinh, ngày nay, chúng ta có thể nói rằng mình chấp nhận sự vắng mặt hiển nhiên của Thiên Chúa, sự im lặng của Người, sự thất bại của Thập giá không? Chúng ta không tiếp tục xin Chúa can thiệp... để chiến thắng sao?
Rồi Đức Giêsu ngồi xuống, gọi mười hai môn đệ lại mà nói: "Ai muốn làm đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm tôi tớ mọi người".
Trong cuộc thương khó mà Chúa vừa loan báo, Chúa Giêsu đã tự hạ thành "kẻ sau rốt và là "đầy tớ” của mọi người. Thực sự, Thiên Chúa là như thế. Tại sao lời khẳng định này lại có vẻ như một cậu phạm thượng đối với một số người? Đúng ra, Thiên Chúa là Đấng trên hết, cao cả nhất, nhưng Chúa cũng là "Người đương đầu trong phục vụ” Người đứng đầu trong tình yêu.
Các con gọi Ta là Thầy, là Chúa và điều đó phải lắm, vì Ta đúng là như thế... thế mà Ta đã rửa chân cho các con, như một người đầy tớ" (Ga 13,13). Thiên Chúa thực sự là Đấng Toàn Năng, nhưng là Toàn Năng để "phục vụ đến cùng". "Ta ở giữa các con như một người phục vụ” (Lc 22,27). "Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng làm giá cứu chuộc muôn người" (Mc 10,42-45).
Trong xã hội và tập thể con người (và cũng là luật tự nhiên trong thế giới động vật), Người ta thường tìm kiếm sức mạnh, sự kính nể, uy tín, danh dự và quyền lợi. Đức Giêsu lật đổ nhào tận gốc rễ thứ trật tự này: Người "thứ nhất” trở thành "người sau rốt", "ông chủ” trở nên "đầy tớ". Chắc chắn Đức Giêsu đã nói một cách có vẻ khiêu khích và cách mạng.
Nhưng một lần nữa, đó không phải là để làm một cuộc “cách mạng" nghĩa là thay đổi "chữ” mà thôi! ở đây, nhằm đưa ra giải pháp thực sự cho nội tâm con người, giúp chế ngự xu hướng tranh đấu không ngừng giữa loài người, để thống trị" để đạt giàu sang, quyền thế, bằng cách đè bẹp người khác.
Người dắt một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: "Ai đón tiếp một em nhỏ như em này, vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy".
Trong những tập thể chúng ta sống, trong lòng chúng ta và trên thế giới, bạo lực không ngớt gia tăng. Trong cơn thủy triều đen tối đang dâng lên như thế, Đức Giêsu đề nghị cách tượng trưng sự yếu đuối của đứa trẻ như một lý tưởng. Đứa trẻ là sinh vật nhỏ bé "trong xã hội ít được kính nể, và người ta gạt bỏ nó dễ dàng, kể cả bằng cách tội lỗi mà lại hợp pháp. 'Đứa trẻ đúng là kẻ "nghèo hèn", không tự vệ được, "bị giao nộp" cho những kẻ mạnh mẽ quyền thế hơn nó. Nhưng Chúa lật ngược những tiêu chuẩn xã hội về quan niệm ngôi thứ: Người ta nói, kẻ sau rốt là kẻ đứng đầu. Bây giờ Người nói tiếp, dưới mắt Thiên Chúa kẻ nhỏ bé lại là người lớn nhất. Đức Giêsu đặt đứa trẻ ở giữa cộng đoàn Kitô hữu.
Tôi dành ít thời giờ để niệm tưởng hình ảnh Đức Giêsu đang vuốt ve và ôm ấp đứa bé này. Sự cao cả của Kitô hữu được đo nghiệm theo phẩm chất của việc phục vụ những người "thấp hèn" nhất, những kẻ kém may mắn nhất. Chúng ta sẽ bị xét đoán theo tiêu chuẩn đó (Mt (25,31). Vả lại, đây không phải là một sự "nô lệ", vì chúng ta phục vụ Đức Giêsu khi chúng ta phục vụ những kẻ thấp hèn. Và qua Đức Giêsu, chúng ta phục vụ chính "Đấng" đã tạo nên thế gian và đã trao ban Con Một của Người.
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
"Con Người sẽ bị nộp"
"Ai muốn lớn nhất, thì hãy tự làm rốt hết"
BÀI TIN MỪNG: Mc 9,30-37
2. Ý CHÍNH:
Để hoàn tất việc huấn luyện các tông đồ, thì trước khi chịu thương khó, tử nạn và phục sinh, Chúa Giêsu đã giáo huấn các tông đồ nhiều điều. trong bài Tin Mừng hôm nay, sau khi đã loan báo lần thứ hai về sự thương khó Người sắp chịu, Chúa Giêsu đã dậy các tông đồ về bài học khiêm nhường phục vụ.
1. SUY NIỆM:
1/ "Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống":
Để chấn an các tông đồ khỏi nản lòng sau khi Người loan báo lần thứ nhất về cuộc thương khó (Mc 8, 31-33), Chúa Giêsu đã đưa ba tông đồ là Phêrô, Gioan và Giacôbê lên núi Tabor để chứng kiến sự vinh quang của Người trong việc biến hình. Sau đó Chúa Giêsu và các tông đồ khởi sự một cuộc hành trình băng qua Galilê. Trong cuộc hành trình này, Chúa Giêsu đã giáo huấn các tông đồ nhiều bài học. Vì thế để tránh sự rộn ràng của dân chúng và để có bầu khí riêng biệt trong việc dậy dỗ các môn đệ, Chúa Giêsu không muốn cho ai biết.
2/ "Vì Người dậy dỗ và bảo các ông rằng":
Trước khi đi vào cuộc khổ nạn, chịu chết và phục sinh, Chúa Giêsu muốn dậy dỗ để hoàn tất việc huấn luyện các tông đồ. Ở đây sau khi đã loan báo lần thứ hai về cuộc thương khó như một bài học gương mẫu, Chúa Giêsu đã giáo huấn các môn đệ về bài học khiêm nhường.
3/ "Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người”:
+ Con người: nhấn mạnh về nhân tính của Chúa Giêsu để nói lên ý nghĩa Người nhận lấy thân phận của một tội nhân, tuy Người vô tội.
+ Sẽ bị nộp vào tay người ta: có nghĩa là Thiên Chúa sắp nộp Chúa Giêsu là Con Một của Người cho người trần. Thánh Phêrô đã xác quyết về điều này rằng:
"Ngài đã không tha cho chính Con của Ngài nhưng đã phó nộp Người cho chúng ta hết thảy" (Rm 8, 32) và thánh Gioan cũng nói: "Thiên Chúa quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con của Ngài" ( Ga 3, 16 ).
+ Khi đã bị giết, ngày thứ ba Người sẽ sống lại:
- Bị giết: Chúa Giêsu ở thế bị động vì bị người trần giết. ở đây biểu lộ ý nghĩa sự chết đến bởi người trần mà kẻ chủ động là Satan.
Người sẽ sống lại: Chúa Giêsu sẽ sống lại sau khi chết ba ngày. Chúa Giêsu ở thế chủ động vì sự sống lại phát xuất từ quyền năng của Thiên Chúa. Ở đây biểu lộ ý nghĩa Thiên Chúa là nguồn gốc của sự sống lại.
Ý nghĩa lời loan báo của Chúa Giêsu trên đây đã được thánh Gioan diễn tả " Vì Thiên Chúa đã yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Người, ngõ hầu phàm ai tin vào Người thì khỏi phải hư đi, nhưng được sống đời đời " Ga 3, 16.
4/ "nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không giám hỏi Người":
+ Các ông không hiểu vì tâm trí các ông đang nghĩ đến một Đấng Cứu Thế hiển hách chứ không thể nhận ra Đấng Cứu Thế chịu đau khổ như Chúa Giêsu loan báo.
+ Các ông sợ không giám hỏi vì một đàng rút kinh nghiệm lần trước của Phêrô đã bị Chúa quở trách nặng nề vì ngăn cản Chúa, một đàng vì sợ không giám nhắc đến sự đau khổ, điều mà các ông không muốn.
5/ "Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông":
Cử chỉ vào nhà diễn tả ý nghĩa riêng tư, ấm cúng xa bên ngoài rộn ràng, thuận tiện cho việc tâm sự hàn huyên, vì thế Chúa Giêsu khởi sự giáo huấn các ông bằng một câu hỏi khai đề:
6/ "Dọc đường các con tranh luận gì thế":
Đặt câu hỏi này, Chúa vừa tỏ ra quan tâm đến các tông đồ, vừa muốn khơi dậy sự chú ý của các tông đồ về điều mà Người sắp nói để giáo huấn các ông.
7/ "Các ông làm thinh, vì dọc đường các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất":
Vì các tông đồ đang mang nặng ý tưởng về Đấng Cứu Thế hiển hách, đồng thời do ảnh hưởng của xã hội Do thái đương thời thích đẳng cấp, nên các ông đã tanh luận với nhau về danh dự và phẩm chất của người lành đạo để xem ai là người lớn nhất. Điều này không am hợp với ý Thầy mình, nên các ông làm thinh.
8/ "Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi 12 ông lại và bảo":
Tạo ra bầu khí thân mật trong tình Thầy trò bằng cách Chúa Giêsu ngồi xuống, gọi 12 ông lại và Người dựa vào tâm trạng của các ông đang có để hướng dẫn các ông đến bài học khiêm nhường.
9/ "Ai muốn làm lớn nhất hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người":
+ Ai muốn làm lớn nhất: đây là một lời nhắn nhủ những ai có ý muốn, có lòng khao khát được vinh dự đích thực, thứ vinh dự không do người trần ban tặng nhưng do Thiên Chúa ban cho.
+ Thì hãy tự làm người rốt hết: dù ở đẳng cấp nào hay có phẩm chức gì đi nữa thì hãy tự bỏ đi để trở nên người cùng đinh, không còn ai dưới mình nữa, nghĩa là tự huỷ mình đi trước mặt người ta theo thân phận tôi tớ để phục vụ.
+ Và làm đầy tớ mọi người: trở nên người rốt hết để phục vụ mọi người không trừ ai. Ở đây sự đối nghịch giữa " lớn nhất " và " rốt hết " muốn diễn tả sự đảo lộn các giá trị giữa trần thế và Nước Trời, giữa tinh thần thế gian và tinh thần Tin Mừng mà căn bản để đánh giá là tinh thần khiêm nhượng phục vụ như người tôi tớ của mọi người. Gía trị của người lớn nhất là phục vụ và phục vụ mọi người.
10/ "Rồi Người đem một em bé đặt giữa các ông":
Để làm tỷ dụ cụ thể về bài học khiêm nhường, Chúa Giêsu đã đặt một em nhỏ làm điển hình.
11/ "Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy là đón tiếp chính mình Thầy":
Trẻ nhỏ: ở đây không có ý lấy kiểu mẫu về sự vô tội, đơn sơ, nhưng muốn lấy làm điển hình của cái không quan trọng không đáng kể không cần lưu ý. Vì thế, " trẻ nhỏ " ở đây gợi lên ý nghĩa của những người bị bỏ rơi, bị khinh bỉ như những kẻ nghèo khó tàn tật, què quạch, đui mù và hết những ai không có gì trả lại ( Lc 14, 13 - 14. 21 ). Đồng thời gợi lên ý nghĩa thiêng liêng là những kẻ tội lỗi hoặch yếu đuối đức tin.
+ là đón tiếp chính mình Thầy: Chúa Giêsu muốn đồng hóa với trẻ nhỏ, với kẻ nghèo, nghĩa là đón tiếp cách vô vị lợi: chỉ vì lòng mến muốn thực thi ý Chúa mà đón tiếp và phục vụ, chứ không phải vì bất cứ lý do lợi lộc nào khác.
12/ "Ai đón tiếp Thầy... là đón tiếp Đấng đã sai Thầy":
Chúa muốn đề cao giá trị siêu nhiên của việc phục vụ trong tinh thần khiêm nhường.
III. ÁP DỤNG:
A/ Áp dụng theo Tin Mừng:
Giáo Hội muốn dùng bài Tin Mừng hôm nay để chúng ta nhìn ngắm gương tự hạ khiêm nhường của Chúa Giêsu trong việc chịu thương khó, chịu chết và phục sinh, để nhờ đó chúng ta biết thực hành bài học khiêm nhường trong việc phục vụ phần rỗi các linh hồn.
B/ Áp dụng thực hành:
1/ Nhìn vào Chúa Giêsu:
a/ Xem việc Người làm:
* Kiên trì trong việc giáo dục: nếu Chúa Giêsu đã kiên trì trong việc giáo dục dân chúng về Bánh Hằng Sống thì ở đây Người cũng kiên trì giáo dục các môn đệ về Đấng Cứu Thế chịu đau khổ. chúng ta cũng noi gương Chúa trong việc kiên trì giảng dậy: không nản lòng thối trí khi người ta kém trí chậm hiểu.
* Cụ thể hóa lời giảng dậy: Chúa Giêsu lấy trẻ nhỏ làm điển hình cho bài học. Chúng ta khi dạy giáo lý cần biết sáng kiến những mẩu chuyện, những dụng cụ, những sự việc cụ thể để là điển hình cho bài học giáo lý.
b/ Nghe lời Người nói:
* Dọc đàng các con tranh luận gì thế? Chúa Giêsu quan tâm đến ưu tư của các tông đồ để săn sóc, để sửa sai. Mọi âu lo bận tâm của ta đều được Chúa quan tâm miễn sao ta biết nhận ra Người qua giáo huấn của Giáo Hội, qua chỉ dậy của Lời Chúa hằng ngày. Muốn phục vụ tốt tha nhân thì phải biết quan tâm đến các ưu tư của tha nhân.
* Ai muốn làm lớn nhất: Chúa chỉ vẽ bài học khiêm nhương cho các tông đồ: là người tông đồ, Chúa muốn chỉ dậy cho chúng ta bài học khiêm nhường này: phục vụ mà không đòi được phục vụ. Phục vụ quên mình,
miễn sao ý Chúa được thực hiện.
* Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ vì danh Thầy: lấy con mắt đức tin để nhìn nhận sự hiện diện của Chúa nơi tha nhân, sẽ giúp chúng ta phục vụ cách can đảm và nhẹ nhàng cho bất cứ ai.
2/ Nhìn vào các tông đồ:
Các ông không hiểu lời đó: nhiều khi vì ý riêng hay vì các nhìn phàm tục của ta làm cho ta không nhận ra ánh sáng của Lời Chúa hoặc không nhận ra giá trị siêu nhiên của mỗi biến cố.
* Các ông tranh luận: Những người được kén chọn như các tông đồ cũng còn nhiều khuyết điểm. Bản tính tự nhiên không thay đổi. Hiểu vậy ta hãy khiêm nhường và thông cảm với những yếu đuối của tha nhân và của những người có chức quyền nữa.